Đề xuất kéo dài thời gian giảm một số loại thuế; vé xe buýt rục rịch tăng

Đề xuất tiếp tục giảm một số loại thuế như VAT, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu; Sở GTVT Hà Nội muốn tăng giá vé xe buýt; Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện… là những thông tin kinh tế đáng chú ý tuần qua.

Đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT 6 tháng đầu năm 2024

Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc tiếp tục giảm thuế GTGT sau thời điểm 30/6/2024 nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp, người dân vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Lấy ý kiến tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) xin ý kiến về dự án nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2024. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức giảm thuế như quy định tại Nghị quyết số 30 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít. Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất tăng giá vé xe buýt

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Hà Nội đề xuất từ ngày 1/1/2024 sẽ tăng giá vé xe buýt thêm 1.000-11.000 đồng so với hiện nay, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên. Với giá vé lượt, mức tăng cao nhất ở cự ly trên 40km là từ 9.000 lên 20.000 đồng. Giá vé tháng có mức tăng trung bình 40%.

Lý giải cho đề xuất trên, Sở GTVT cho rằng từ 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân.

Sở cũng nêu các lý do khác như chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với 2014. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách thành phố.

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về rút ngắn chu kỳ điều hành giá điện

Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng thông tin thêm về đề xuất điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần.

Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần sẽ giúp cập nhật đầy đủ chi phí hơn.”Đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá tối thiểu 6 tháng xuống 3 tháng là phù hợp. Việc này đảm bảo chi phí không bị dồn tích nhiều, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của EVN và dần đưa giá điện thích ứng với biến động các thông số đầu vào theo thị trường”, Bộ Công Thương lập luận và cho biết, “các bộ, ngành không phản đối khi được lấy ý kiến”.

 

Bộ Công Thương: Chưa đủ pháp lý giao EVN làm điện gió ngoài khơi

Tại tờ trình mới nhất về Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII gửi lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương cho hay, việc xác định cụ thể dự án và doanh nghiệp trong nước triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm gặp các khó khăn.

Đó là hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển); pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.

“Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý để giao cho Tập đoàn Điện lực (EVN) và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi”, Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ.

Chính phủ ‘thúc’ Bộ Công Thương hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về cơ chế mua bán điện trực tiếp, giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.

Theo Phó Thủ tướng, việc ban hành cơ chế, chính sách mua bán điện trực tiếp là rất quan trọng và cấp bách để triển khai thực hiện hiệu quả việc đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nhưng đến nay, cơ chế, chính sách này vẫn chậm được ban hành, chưa đáp ứng yêu cầu. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành nhiệm vụ.

TP.HCM kiến nghị sớm có cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa có kết luận về việc triển khai cơ chế đặc thù cho thành phố theo Nghị quyết 98, sử dụng mái nhà là tài sản công để lắp điện mặt trời.

Theo Báo Thanh Niên, ngoài xây dựng đề án sử dụng các mái nhà – tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, UBND TP.HCM còn kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành cơ chế mua bán sản lượng điện không dùng hết từ nguồn điện mặt trời mái nhà này.

Phó Thống đốc: ‘Chấp nhận tỷ giá lên xuống’

Phó Thống đốc Đào Minh Tú Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay: “Một số ý kiến cho rằng tỷ giá nhảy múa, nhưng thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá”.

Thông điệp trên được ông Tú chia sẻ tại Hội nghị “Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 20/10 tại Đắk Lắk.

Khẳng định lại vai trò của NHNN là không để xảy ra lạm phát và giữ ổn định tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, một số quốc gia lạm phát rất cao, nếu chúng ta rơi vào tình trạng đó thì đời sống của người dân sẽ vất vả vô cùng.

Theo vietnamnet

0917.433.211
Chat zalo